• :
  • :
Đề án 06 là đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thành mục tiêu theo Quyết định 2491/QĐ-BYT của Bộ Y tế về Phê duyệt Đề án thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò của dấu ấn sinh học trong chẩn đoán, theo dõi Nhồi máu cơ tim và Suy tim

Nhồi máu cơ tim và suy tim được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý về tim mạch. Biểu hiện phổ biến nhất là những cơn đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi,… tuy nhiên một số lại không có bất cứ triệu chứng điển hình nào nên người bệnh và nhân viên y tế đều chủ quan khiến bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí không thể cứu vãn.

Với các bác sĩ tim mạch và hồi sức cấp cứu, một số dấu ấn sinh học như chỉ số Troponin T (TnT), NT-proBNP… có ý nghĩa tích cực đối với chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi và điều trị bệnh. Đó cũng là chủ đề chính tại buổi tập huấn chuyên môn ngày 03/10/2019 do các chuyên gia của Trung tâm Tim mạch, Cấp cứu và Hồi sức tích cực trực tiếp chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, ghi nhận từ chính các case lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Buổi tập huấn có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện

Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tim mạch...

Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, xét nghiệm Troponin T siêu nhạy có giá trị lâm sàng trong tiếp cận chẩn đoán sớm hội chứng vành cấp. Do đó, bệnh nhân cần được chỉ định xét nghiệm ngay giúp phát hiện tổn thương cơ tim sớm và loại trừ nhồi máu cơ tim chỉ khoảng 1 - 2 giờ sau tiếp nhận vào khoa Hồi sức cấp cứu (Kết quả xét nghiệm TnT thấp 2 lần liên tiếp sau 1h vào viện có thể loại trừ nhồi máu cơ tim ST không chênh).

Đối với bệnh lý suy tim, sử dụng xét nghiệm NT-proBNP có vai trò như thế nào cũng được ThS.BS Nguyễn Thị Minh Lý chia sẻ tại buổi tập huấn. Theo đó, dấu ấn sinh học này được tối ưu giúp dự phòng suy tim, thiết lập chẩn đoán và lựa chọn điều trị, phân tầng nguy cơ và cá thể hóa điều trị đồng thời theo dõi tiến triển bệnh. Đặc biệt, đối với bệnh nhân nguy cơ cao xuất hiện suy tim nhưng chưa có bệnh lý tim mạch thực sự: bệnh nhân tăng huyết áp, tăng lipid máu, béo phì, bệnh mạch máu, đái tháo đường, rối loạn nhịp cần điều trị, bất thường cấu trúc van tim.

...và nhiều chuyên gia tim mạch, hồi sức cấp cứu.

Như vậy, nhờ có sự tham gia của TnT và ProBNP giúp tiên lượng tốt hơn, chẩn đoán hoặc loại trừ nhồi máu cơ tim và suy tim, cải thiện việc chăm sóc, quản lý bệnh nhân, giảm thời gian lưu lại cấp cứu, giảm chi phí điều trị. Tuy nhiên, các nhân viên y tế phải luôn luôn cập nhật nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt cần có sự nhạy cảm trong chẩn đoán lâm sàng.

Đối với cộng đồng, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên thường xuyên quan tâm đến sức khỏe bản thân, lưu ý sớm những triệu chứng bất thường để thăm khám và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, người bệnh cần duy trì thói quen và lối sống lành mạnh: không hút thuốc lá, không dùng chất kích thích; nên tập thể dục hàng ngày; tránh căng thẳng trong cuộc sống, công việc; ăn giảm muối, không ăn mỡ và phủ tạng động vật, hạn chế ăn đồ ngọt; kiểm soát cân nặng hợp lý.

Bên cạnh đó, nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi đã mắc một số bệnh lý có liên quan đến bệnh mạch vành như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì… Tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị và dự phòng tái phát bệnh.


Tác giả: Tú IT
Nguồn:viendaihocyhanoi Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Liên kết website